Họ phát triển một quy trình xử lý sáng tạo. Đầu tiên, dao dĩa được đặt vào trong bể chứa đầy CO2. Sau đó, các nhà khoa học tăng áp suất trong bể, khiến CO2 hòa vào nhựa. Khi áp suất đột ngột được giải phóng, lượng khí này nở ra bên trong và biến nhựa thành mút xốp.
Nhóm nghiên cứu cho biết, quá trình này giống như mở một lon nước ngọt và giải phóng CO2. Họ cũng phát hiện rằng có thể thay đổi sản phẩm cuối cùng bằng cách thực hiện một số điều chỉnh. Ví dụ, điều chỉnh áp suất trong bể thấp hơn sẽ tạo ra miếng mút lớn hơn với nhiều lỗ khí.
"Chúng tôi có thể thay đổi nhiệt độ và áp suất để tạo ra những miếng mút tốt. Không phải bất cứ mức nhiệt hay áp suất nào cũng cho ra kết quả thích hợp. Chúng tôi đã tìm ra nhiệt độ và áp suất tốt nhất để biến những đồ nhựa đó thành mút xốp", tác giả nghiên cứu Heon Park cho biết.
Thiết bị nổi, ví dụ như phao, là một trong những ứng dụng của loại mút nhiều lỗ khí. Các phiên bản khác có thể dùng làm vật liệu cách nhiệt cho tường, theo nhóm nghiên cứu. Tái chế thành mút là lựa chọn tốt để tận dụng nhựa sinh học vì mút thường không dùng cho những việc đòi hỏi sự rắn chắc, kiên cố. Trong khi đó, độ chắc chắn của nhựa thường bị giảm sút trong quá trình tái chế.
Các nhà khoa học tin rằng công nghệ mới có thể áp dụng cho nhiều loại vật liệu. "Chúng tôi có thể mở rộng quá trình tạo mút xốp với những loại nhựa khác", Park nói. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Physics of Fluids.